Phát hành Mùa xuân nhớ Bác

Phạm Thị Xuân Khải gửi bài thơ tới Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Đức Thọ vì nghĩ rằng "không có Tổng Biên tập nào vào thời điểm đó đơn phương dám duyệt đăng bài thơ".[8] Tác giả sau này giải thích việc gửi thơ đến Lê Đức Thọ vì nghĩ các vấn đề tiêu cực xảy ra do sử dụng người chưa hợp lý, trong khi "bác Thọ đang phụ trách công tác tổ chức của Đảng".[12] Lê Đức Thọ khi nói "cậu nói với báo Tiền Phong thẩm định kỹ về tác giả và động cơ sáng tác. Nếu cô ấy là người tốt thì đăng bài thơ", thư ký Lưu Văn Lợi cũng cho rằng "bài thơ là tiếng nói của thanh niên có tư duy đổi mới với dũng cảm nói thẳng".[9] Ngày 11 tháng 3 năm 1986, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam VI, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Vũ Mão nhận được thư của Lưu Văn Lợi—thư ký dưới quyền Lê Đức Thọ—đề nghị đăng bài thơ "Mùa Xuân nhớ Bác" của nữ sinh viên năm hai khóa Văn thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Phạm Thị Xuân Khải.[13][14] Tổng Biên tập báo Tiền Phong Đinh Văn Nam cử nhà báo Lê Văn Ba về trường tìm hiểu nhân thân và nói chuyện trực tiếp với nữ sinh viên, Lê Văn Ba cảm thấy rất tin tưởng tác giả bài thơ.[9][13] Theo điều tra, nữ sinh viên lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, từng xung phong đến chiến trường B trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam khoảng mười năm.[3][13] Trong thời điểm điều tra, hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khen bài thơ, trong khi Bí thư Đảng ủy Khoa Ngữ văn trường này cho rằng bài thơ có những câu dễ gây kích động.[14] Đinh Văn Nam phân công các nhà báo trong toà soạn đi tìm hiểu dư luận, Lê Văn Ba tìm hiểu tác giả tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Đăng Trung tiếp nhận ý kiến bạn đọc, Dương Xuân Nam đi họp giao ban thường kỳ giữa Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[10]

Trưởng ban Biên tập báo Tiền Phong Lê Văn Ba cho biết bài thơ đăng trên báo bị lược bỏ năm câu với sự thống nhất của tác giả và thư ký Lưu Văn Lợi.[15] Ngày 25 tháng 3 năm 1986 (sau Tết Bính Dần), bài thơ được in trên báo Tiền Phong số báo đặc biệt kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.[8][10] Phạm Thị Xuân Khải bất ngờ khi "bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" lách qua khe cửa hẹp của bức tường bảo thủ trì trệ cản trở sự đi lên của đất nước".[8] Năm 2006, tác giả nói rằng "đến bây giờ hai điều làm tôi vui nhất là Đổi Mới đất nước hứa hẹn thành công tốt đẹp và các con tôi đều trưởng thành. Mình có bị thế này thế khác thì cũng coi như một sự hy sinh. Xưa nay trung ngôn nghịch nhĩ mà, nhưng rồi thời gian và nhân dân sẽ chứng minh tất cả. Tôi dám viết nhưng điều đáng nói là báo Tiền Phong dám đăng. Tôi cho rằng Tiền Phong là tờ báo đi tiên phong trong việc cổ vũ cho cái Mới, cho công cuộc Đổi Mới".[4] Xuân Khải bộc bạch "nếu tình huống xấu nhất xảy ra là bị bắt giam thì tôi sẽ kiên trì chờ đợi, làm sáng tỏ chân lý lẽ phải. Tôi tin vào nhân dân, vào Đảng và tin vào chính mình".[2] Bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" được báo Tiền Phong đăng lại vào ngày 28 tháng 3 năm 2006, phần đầu thư ghi đề tặng Lê Đức Thọ (tác giả bài thơ "Lẽ sống") và Hồ Thiện Ngôn (tác giả bài thơ “Đọc thơ anh”).[1] Ngày 17 tháng 6 năm 2006 tại Hà Nội, tại gian trưng bày "Nhìn lại văn nghệ thời bao cấp" của triển lãm "Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp", các hiện vật liên quan đến bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" được giới thiệu với công chúng.[16] Năm 2020, cựu Tổng Biên tập báo Tiền phong Dương Xuân Nam nói rằng "những câu thơ như vậy được đăng trên báo vào thời điểm năm 1986 giống như một “quả bom” phát nổ!."[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mùa xuân nhớ Bác http://nguoilambao.vn/upload_images/files/Tap-chi-... https://web.archive.org/web/20131011004605/https:/... https://web.archive.org/web/20160502084249/https:/... https://web.archive.org/web/20160908032949/https:/... https://web.archive.org/web/20170816164600/https:/... https://web.archive.org/web/20200703204137/https:/... https://web.archive.org/web/20200704141220/https:/... https://web.archive.org/web/20200716014541/https:/... https://web.archive.org/web/20200716015142/https:/... https://web.archive.org/web/20200716015334/https:/...